Đồ ăn nhiều chất béo, cay nóng, dễ gây dị ứng hoặc chất kích thích như cà phê, rượu bia không phù hợp với người có bệnh lý viêm xoang.
Viêm xoang là bệnh lý tai mũi họng phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh dễ tái phát và trở thành mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Ngoài tuân thủ điều trị theo y lệnh của bác sĩ, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý.
Trong đó, 5 nhóm thực phẩm cần tránh, gồm:
Thực phẩm chứa chất kích thích, như cà phê, bia, rượu hay đồ uống có gas. Những đồ uống này gây mất nước, làm cho dịch nhầy trong vùng xoang đặc lại, ảnh hưởng xấu đến việc đẩy dịch nhầy ứ đọng trong xoang ra ngoài. Hơn nữa, các loại đồ uống này còn dễ gây bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Axit ở dạ dày khi trào ngược lên không tốt cho niêm mạc đường tai, mũi, họng.
Sữa và các chế phẩm từ sữa. Sử dụng nhiều các thực phẩm này làm lượng dịch nhầy trong mũi lẫn độ đặc của dịch nhầy đều tăng lên, làm nghẽn các xoang. Chính vì chất nhầy có thể gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của khí, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại và phát triển trong hốc xoang và gây viêm nhiễm.
Đồ ăn nhanh (fast food) nhiều dầu mỡ, như hamburger, gà rán, bánh mì sandwich, pizza… chứa nhiều chất béo, sẽ làm tăng tiết dịch nhầy và gây tắc các hốc xoang, làm nặng thêm các triệu chứng khó chịu ở bệnh nhân bị viêm xoang.
Thực phẩm cay nóng, món ăn nhiều gia vị cũng dễ gây trào ngược dạ dày. Axit dịch vị khiến cho cổ họng bị kích thích, dịch mủ ứ đọng trong hốc xoang nhiều hơn. Bên cạnh đó, chúng còn kích thích khiến niêm mạc mũi họng bị sưng viêm nặng hơn và nguy cơ nhiễm trùng. Kết quả là tình trạng viêm xoang nặng nề, triệu chứng khó chịu hơn.
Các đồ lạnh như nước đá, nước để trong tủ lạnh, kem… là nguyên nhân tạo ra kích thích đối với niêm mạc vùng hầu họng và đường hô hấp, khiến viêm xoang dễ tái phát, do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ăn uống ấm sẽ có lợi hơn. Người bị viêm xoang cũng nên hạn chế các món ăn dễ gây dị ứng như thịt bò, cua, tôm, đậu phộng…
Mặt khác, người mắc viêm xoang nên tăng cường ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất béo omega 3, giúp hỗ trợ ngăn chặn các phản ứng viêm, giảm sưng tấy khó chịu, đồng thời tăng cường sức đề kháng như cá thu, cá hồi, cá trích, quả óc chó… Một số loại thức ăn có chứa các chất oxy hóa, kháng histamin, chống viêm tự nhiên như tỏi, hành tây, gừng, nghệ… giúp cải thiện các triệu chứng viêm xoang. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng quá nhiều sẽ làm nóng trong người.
Ngoài ra, vitamin C trong ớt chuông, cải xanh, đu đủ, dâu tây, súp lơ, cam, ổi… và các thực phẩm từ đậu nành giúp cung cấp canxi, khoáng tố cần thiết cho chức năng chống dị ứng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể người bệnh.
Mỗi ngày nên uống đủ từ 1,5 đến hai lít nước. Khi cơ thể đủ nước, dịch nhầy sẽ loãng ra giúp dễ khạc đờm, xì mũi, tống các chất dịch tiết ra ngoài giúp mũi thông thoáng hơn, làm giảm tình trạng nghẹt mũi, đau đầu khó chịu. Thời gian uống nước thích hợp là khi vừa ngủ dậy, sau khi vận động nhiều, uống sau các bữa ăn, trước khi đi ngủ nửa tiếng và uống nước khi khát. Khi uống nên chia thành các ngụm nhỏ và uống từ từ.